Translate

lundi 7 février 2011

Quê hương...!

Hồn dân tộc trên giấy dó!
Vào dịp Tết Nguyên đán, theo phong tục cổ truyền, những tờ tranh dân gian in màu sắc tươi rói lại được bày bán khắp nơi từ nông thôn đến thành thị làm không khí chơi xuân, đón tết càng thêm nao nức.

Tranh dân gian, tranh Tết truyền từ đời này sang đời khác bằng kỹ thuật in bản gỗ. Tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng có: Đông Hồ (Hà Bắc), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoành (Nghệ An), Sình (Huế), tranh Nam bộ tranh của các dân tộc thiểu số - lâu đời và nổi tiếng hơn cả là tranh Đông Hồ.

Tranh dân gian Đông Hồ gắn liền với tín ngưỡng, phong tục cổ truyền Việt Nam. Hàng năm, cứ mỗi dịp Xuân về, những bức tranh Đông Hồ rực rỡ màu sắc xuất hiện ở khắp nơi từ thôn quê đến thị thành... Làng Đông Hồ nằm ven sông Đuống, cách Hà Nội chừng 40 km về phía đông, xưa gọi là Đông Mại (hay làng Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc (nay là làng Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc). Đông Hồ có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Thuộc đất cũ làng ven sông nay còn lại vài tấm bia đá trên nền chùa cổ. Trước cách mạng tháng Tám- năm 1945, Đông Hồ có đến 15 dòng họ làm Tranh, vì thế chẳng biết từ bao giờ trong dân gian đã có câu:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Láng Mái có lịch, có lề
Có ao tắm mát, có nghề làm tranh...

Đó là khi thịnh vượng, hoàng kim của làng tranh dân gian. Đông Hồ xưa, nhà nhà sản xuất, các nghệ nhân già sáng tác mẫu tranh, người khắc ván, kẻ in tranh. Tấp nập hơn nữa, nhộn nhịp nhất vẫn là tháng chạp (tháng 12 âm lịch) vào các ngày mùng 6, 11, 16, 21, 26, đình làng Đông Hồ chính là chợ tranh để cho khách thập phương về mua tranh đông như trẩy hội.

Thế rồi thời thịnh vượng của làng tranh đã qua, sau năm 1945 làng Đông Hồ không chỉ làm tranh như xưa nữa mà còn làm thêm hàng mã. Vào thập kỷ 70-80 của thế kỷ 20, tranh Đông Hồ được sản xuất tập trung theo mô hình hợp tác xã, tranh sản xuất ra không có nơi tiêu thụ. Vậy là nghề làm tranh cũng mai một đi từ đó...

Nét đặc thù của tranh Đông Hồ in nhiều màu, màu in trước, nét in sau, mỗi màu có một bản khắc riêng và in trên giấy diệp. Để in được một bức tranh rất công phu. Trước hết về giấy in tranh, không phải là loại giấy sản xuất trên dây chuyền công nghiệp mà hoàn toàn thủ công. Nguyên liệu để sản xuất ra giấy là vỏ cây Dó được giã nhỏ mịn, hoà thành nước, chao thành giấy, mỗi lần chao là một lớp. Về bột giấy, trước khi in tranh phải phủ lên giấy lớp bột trắng mịn, óng nghiền ra từ vỏ điệp (loài hến biển) quấy với hồ nếp loãng, quét lên mặt giấy bằng cái "thét" dẹt rộng bản, được kết bằng lá thông. Nhờ đó tạo được những vệt dài trông như thớ giấy với vẻ đẹp rất đặc trưng: màu trắng của điệp, màu vàng của hoa hoè, màu đỏ của sỏi son. Giấy in tranh là giấy dó dai bền, trên mặt giấy quét phủ một lớp điệp tạo cho tờ giấy dó cứng xốp và nổi lên chất nghệ thuật đặc sắc của những thô điệp phát sáng lung linh hấp dẫn.

Tranh nét được khắc trên ván gỗ thị vàng ươm. Chỉ khắc trên gỗ thị vì gỗ thị mềm, mịn, dai. Ngọn dao khắc sắc lẻm tung hoành trên phiến gỗ thị làm nên những bản khắc quý giá. Cuối cùng mới in ván nét to đậm, mềm mại bao quanh lấy những mảng màu to bẹt, đồng bộ, tạo thành một đường viền làm ổn định hình trên tranh.

Màu để in tranh được sản xuất thủ công tại chỗ từ nguyên liệu thiên nhiên như: đen chế từ than lá tre khô, màu vàng từ hoa hoè hay quả dành dành, xanh lam chiết từ lá chàm, đỏ tươi là bột son, còn trắng thì dùng vỏ trai sò nghiền mịn.... Mỗi màu luyện với hồ nếp rồi quấy nhiễu với nhau gọi là mực "thuốc cái" rất bền. Tranh để in ra phải khắc lên gỗ...

Tranh Đông Hồ không những phù hợp với những tâm hồn thuần phác, mộc mạc của người nông dân, mà về mặt thẩm mỹ cũng đạt được hiệu quả đặc sắc, được giới mỹ thuật trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Chẳng hạn như với bức tranh con lợn được diễn tả bằng những đường cong kết hợp với những khoáy âm dương vừa là trang trí, vừa biểu cảm sự sung mãn. Nhưng lại có người thích thú những khoáy âm dương với chiều sâu của qui luật sinh tồn.

Tranh dân gian Đông Hồ có vào khoảng đầu thế kỷ thứ 16. Hiện nay cũng chưa ai thống kê số mẫu tranh Đông Hồ có bao nhiêu thể loại. Tranh dân gian Đông Hồ có 5 loại: tranh thờ (bộ ngũ sự), tranh lịch sử (như Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung...), truyện tranh (Truyện Kiều, Tống Chân Cúc Hoa, Thạch Sanh), tranh chúc tụng (đại cát, vinh hoa, phú quí), tranh sinh hoạt (đám cưới chuột, thày đồ cóc, trèo dừa...).

Photobucket
Tranh thờ Ngũ Hổ

Photobucket
Lễ Trí

Photobucket
Nhân Nghĩa

Photobucket
Vinh Hoa

Photobucket
Phú Quí

Photobucket
Hứng Dừa

Tranh mua về không lồng kính đóng khung mà dán thẳng tờ tranh lên mặt tường, vách đất, liếp tre hay cánh cửa cổng nhà là những nơi tranh chịu tác động của mưa nắng nhiều. Cầu mong năm mới sung túc, thịnh vượng, nguời ta treo những tranh Đàn lợn, Đàn gà… Mong dồi dào sức khỏe để làm việc quanh năm người ta thích tranh Gà trống gáy sáng hay tranh Người nông phu ngồi nghỉ ở dưới gốc trâu nằm.... Ước sự giàu sang nhiều tiền của thì có tranh Tiến tài, Tiến lộc. Tiền là tranh vẽ có những đồng tiền xếp liền nhau ngụ ý sự ăn nên làm ra và được nhiều tiền nhiều bạc...

Photobucket
Mục đồng đọc sách

Photobucket
Chọi Trâu

Photobucket
Đàn Lợn

Photobucket
Đàn Gà

Photobucket
Đại Cát

Photobucket
Tam dương khai thái

Photobucket
Tiền Lộc

Photobucket
Tiền Tài

Khuyến khích các trẻ em chăm chỉ học hành có tranh "thầy đồ cóc dạy học"(với quan cảnh nhà trường). Tranh "Lý Ngư vọng tuyệt" (tức cá chép trong trăng) ý nói người học trò mong mỏi học tập rồi thi đỗ ví như "cá vượt vũ môn" hóa thành rồng vậỵ. Lại có cả tranh "đám cưới chuột" hay "trạng Nguyên chuột vinh quy bái tổ"…

Photobucket
Thầy Đồ Cóc

Photobucket
Lý ngư vọng nguyệt

Photobucket
Đàn Cá

Photobucket
Đám Cưới Chuột

Cũng có người thích tranh các vị thần linh anh hùng dân tộc như "Sơn Tinh Thuỷ Tinh", "Phù đổng Thiên Vương", "Trọng Thủy Mỹ Châu", "Bà Trưng Trắc", "Bà Triệu", "Đinh Tiên Hoàng", "Lý Thường Kiệt".v..v.. Chịu ảnh hưởng Trung Hoa thì có những tranh "Tứ Bình" (tức bốn bức tranh) như: Mai, Lan, Cúc, Trúc; Ngư (người đánh cá), Tiều (người đốn củi); Canh (người làm ruộng), Mục (kẻ mục đồng), tranh ông Lã Vọng (tức Khương Tử nha câu cá ở Tây Kỳ) và các tranh dựa trên các truyện tích Tàu và Ta như "Tam Quốc Chí", "Chinh Đông Chinh Tây" tranh "Quan Âm Thị Kính" tranh "Nhị Độ Mai" tranh "Thạch Sanh Lý Thông".v..v...

Photobucket
Đinh Tiên Hoàng

Photobucket
Bà Triệu

Photobucket
Tố Nữ

Đặc biệt những tranh Tết trào lộng và thuần túy Việt Nam được nhiều người ưa thích là tranh trai gái "đánh đu" (Trai ôm gối hạc khom khom cật, gái uốn cong lưng ong ngửa ngửa lòng!), tranh "hứng dừa" (với hình một thanh niên đang trèo hái dừa ở trên cây và hình một thiếu nữ đứng dưới gốc dừa đang "tốc váy" lên để hứng lấy trái dừa to người con trai hái và bỏ xuống) và tranh "đánh ghen" giữa người vợ cả và vợ lẽ...

Photobucket
Đánh Ghen

Photobucket
Múa Rồng

Photobucket
Bịt mắt bắt dê

Photobucket
Rước ông nghè vinh hoa bái tổ

Photobucket
Đấu vật

Photobucket
Chọi Cá

Photobucket
Chọi Chim

Photobucket
Công múa

Nghệ nhân xưa vẽ tranh theo quan niệm sống hơn là giống. Vì vậy, cảnh vật con người vẽ trong tranh tuy là hình ảnh thực trong đời sống, nhưng khi thể.hiện vào tranh, nghệ nhân đã tạo dựng bằng đường nét khái quát, hết sức gạn lọc thuần khiết cất sao sợi ý gây được rung cảm cho người xem hơn là vẽ đúng luật giống như thực nhưng lại khô cứng chẳng diễn tả truyền cảm được gì. Tranh dân gian nhỏ bé, nên bố cục trong tranh thường chắc gọn, chặt chẽ nhưng cũng không kém phần linh hoạt phóng túng. Có tranh lại bố cục táo bạo, vượt hẳn ra ngoài mọi khuôn khổ luật lệ mà vẩn đạt tính nghệ thuật cao về hình thức và nội dung.

Tranh Đông Hồ chỉ bán trong dịp Tết Nguyên Đán, cho nên cả hình thức (nét vẽ, màu sắc) lẫn nội dung đều hợp tiết xuân, và phản ảnh khát vọng dân gian được sống phong lưu sung túc. Đây là một loại hình nghệ thuật mang bản sắc dân tộc đâm đà, có truyền thống sản xuất và thưởng thức hàng mấy trăm năm. Người đi sắm hàng Tết thường không bao giờ bỏ qua hàng tranh. Vài xu lẻ đã mua được một bức Tiến tài, Tiến lộc, Phú quý, Vinh hoa về dán cửa nghinh xuân gửi gắm ước mơ. Người nông dân ước mơ cụ thể hơn: một bức tranh Gà Lợn dán vách, cũng là sự gửi gắm đợi chờ năm mới gà lợn sinh sôi đầy chuồng.

Tồn tại lay lắt nhiều thập kỷ qua, dòng tranh dân gian Đông Hồ có lịch sử 400 năm đang đứng trước nguy cơ mai một. Trải qua nhiều thăng trầm năm 2004 tranh Đông Hồ lên một chất liệu mới- gỗ, rất đẹp, bền, lại vẫn không mất đi nét truyền thống, bởi nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Ý nghĩa tranh dân gian đông hồ:

Photobucket
Chăn Trâu

Nhìn vào bức tranh này của nền văn minh Lạc Việt, người xem sẽ cảm nhận được một sự khoáng đạt, thanh thoát của tâm hồn. Hàng chữ trên tranh viết: ”Diệp cái hà thanh thanh”, có thể hiểu là: "Một chiếc lá sen che trời xanh". Nhưng trong dân gian còn lưu truyền một tựa khác cho bức tranh này là: "Thiên thanh lộng suy địch”, có thể hiểu là: “Trời xanh trong tiếng sáo”.

Bức tranh miêu tả hình ảnh một chú bé ngồi đè lên những bông sen trên lưng trâu, đang say sưa thả hồn theo tiếng sáo. Con trâu (không hề có sự ràng buộc của dây vàm) ngóc đầu lên như muốn đồng cảm với con người. Trên đầu chú bé là một chiếc lá sen được cường điệu lớn hơn bình thường (so với tương quan tỷ lệ thực) nhưng vẫn rất hài hòa cân đối. Trong bức tranh này, chúng ta cũng có thể tìm thấy những ý tưởng trí tuệ và nhân bản. Sự an bình của cuộc sống toát ra từ hình tượng của bức tranh, chính là tính nhân bản của bức tranh này. Bạn đọc có thể tìm thấy trong bức tranh này một nội dung mang tính minh triết của Phật giáo: tính phá chấp (ngồi đè lên bông sen), sự chế ngự bản ngã (cưỡi trâu) và sự hoà nhập chân tính của con người với thiên nhiên. Nhưng từ một góc độ khác, người viết cho rằng bức tranh “Chăn trâu” không xuất phát từ ý tưởng Phật giáo, mà mang một giá trị minh triết từ nền văn minh Lạc Việt. Hình tượng chiếc lá sen che trên đầu chú bé giống hình tượng của cây nêu: biểu tượng của Thái cực. Đó là sự vươn lên dẫn tới hoà nhập hoàn toàn với thiên nhiên; tức là đạt tới bản thể của Tạo hoá. Lời chú thích lưu truyền trong dân gian của bức tranh minh hoạ cho ý tưởng này: “Thiên thanh lộng suy địch”; tức là “Trời xanh trong tiếng sáo”. Khi tâm hồn con người thanh thản, vô tư như trẻ nhỏ buông trong tiếng sáo thì bao trùm cả trời xanh, hòa nhập trong vũ trụ. Hình tượng thoát tục của bức tranh này gần gũi với nhân sinh quan Đạo giáo. Nhưng phải chăng tính minh triết Phật học có sự gần gũi với tính minh triết trong xã hội Lạc Việt cổ, nên có thể có sự giải thích riêng cho cùng một hình tượng nghệ thuật?


Photobucket
Nhất tượng Phước lộc điền

Bức tranh này có hình tượng tượng tự như bức “Chăn Trâu” nhưng lại mang một nội dung khác hẳn. Tính nhân bản của bức tranh này là sự thể hiện trực tiếp ước mơ về sự phú túc của con người. Nhưng tính minh triết trong bức tranh này lại là sự bổ sung cho bức tranh “Chăn trâu”.

Chiếc nón vốn đội trên đầu chú bé mục đồng lại bay bổng lên cao như sự vươn lên của trí tuệ. Hàng chữ trên tranh “Nhất tượng phước lộc điền”, không thể hiểu theo nghĩa là “Một con trâu làm nên sự phú túc nơi đồng ruộng”. Bởi vì chữ “tượng” khó có thể dịch là con trâu. Hiểu theo một cách khác thì bức tranh này là “Một hình tượng cho niềm hạnh phúc ở trần gian”. Chính hình tượng chiếc nón bay bổng trên không gian là sự thể hiện nội dung mà bức tranh này muốn nói tới: Một trong những hạnh phúc của trần gian chính là sự chế ngự được bản ngã và vươn tới đỉnh cao của trí tuệ.


Photobucket
Đàn lợn

Một trong những bức tranh dân gian phổ biến và nổi tiếng của làng Đông Hồ là tranh Đàn lợn. Vào những ngày Tết Nguyên đán, bức tranh này là một trong những bức tranh được ưa thích mà trẻ em Lạc Việt được cha mẹ mua về dán trên tường cho vui cửa, vui nhà. Một con lợn mẹ béo núc ních với đàn lợn con mũm mĩm, như mơ ước cho sự phú túc và nhàn tản. Bức tranh như một lời chúc lành cho một năm mới tốt đẹp, đã lưu truyền không biết được bao đời trong nền văn hóa dân gian Việt Nam. Trong bức tranh dân dã này, một hình tượng dễ nhận thấy là vòng tròn Âm Dương trên mình những con lợn. Hình tượng này, như muốn nhắc nhở cho người xem tranh một nội dung tiềm ẩn liên quan đến một học thuật cổ Đông Phương, cho đến nay vẫn được coi là sự huyền bí kỳ ảo. Chính vòng tròn Âm Dương và hình tượng con lợn đã chứng tỏ một nội dung liên quan chặt chẽ đến thuyết Âm Dương Ngũ hành. Đây cũng là một hiện tượng, để bắt đầu từ đó chúng ta đi tìm ý nghĩa minh triết của bức tranh này.


Photobucket
Đại Cát

Một bức tranh dân gian khác được trình bày trên đây, tuy không phổ biến lắm, nhưng vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Bức tranh có tựa là “Đại Cát”. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người thay cho lời chúc lành. Nội dung trực tiếp của bức tranh là hai chữ “Đại Cát”.

Có lẽ không ít người trong chúng ta đã biết đến một số phương pháp dự báo tương lai, mà ngôn ngữ dân gian gọi nôm là xem bói. Một trong những phương pháp bói cổ xưa và khá phổ biến là bói bằng mai rùa, bằng chân gà. Nhưng bản văn cổ nhất của nền văn minh Đông phương nói đến bói toán lại liên quan đến hình ảnh con gà. Đó chính là trù thứ 7 trong Hồng phạm cửu trù. Trù này có tên là Kê Nghi, có nghĩa là hỏi gà.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng. Thậm chí trong tín ngưỡng dân gian với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng; ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam có một hiện tượng rất đáng chú ý. Đó là giá chầu “Cô Chín”, theo truyền thuyết đây là vị thần chuyên phụ trách bói toán. Như vậy, hình tượng con gà trong tranh dân gian Việt Nam và con gà trong tín ngưỡng thờ Thánh, cùng có chung một cội nguồn văn hóa Lạc Việt và gắn liền với việc “bói toán”. Như đã trình bày ở phần trên, hình tượng con gà dùng vào việc bói toán xưa nhất theo bản văn cổ chữ Hán là Hồng phạm cửu trù. Nhưng sử dụng hình ảnh con gà như là một biểu tượng của sự bói toán lại phổ biến trong tín ngưỡng dân gian và trong di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Điều này là một sự minh chứng rõ nét, bổ sung cho quan niệm rằng: Hồng Phạm cửu trù được nhắc tới trong Kinh Thư, chính là một di sản văn hóa của người Lạc Việt và là bản hiến pháp cổ nhất của nước Văn Lang, cội nguồn của nền văn hiến trải gần 5000 năm của nước Việt Nam hiện nay (*). Hình tượng “con Gà” trong văn hóa dân gian Việt Nam, chính là sự bảo chứng cho quan niệm này.


Photobucket
Thầy Đồ Cóc

Đây là một bức tranh khá phổ biến thuộc dòng tranh dân gian làng Đông Hồ. Hầu như khắp chợ cùng quê, với những người lớn tuổi, nếu ai chưa một lần nghe kể chuyện “thầy đồ Cóc” thì chắc cũng đã một lần xem tranh “Thầy đồ Cóc”.

Vào những phiên chợ Tết, những bà mẹ Việt Nam thường mua cho con bức tranh này với hy vọng con mình sẽ chăm chỉ học hành, ngày một thông minh sáng láng. Đương nhiên là phải vinh qui bái tổ, góp mặt với đời. Trong bức tranh là cả một thế giới của cóc, nhái, ễnh ương rất nhộn nhịp trong lớp học với một thầy ếch lớn ngồi chễm chệ trên chiếc sập đang dạy học. Hình tượng sinh vật, nhưng chúng lại có hành động nhân cách hóa như người. Trên bức tranh có dòng chữ “Lão Oa độc giảng”. Tức là ông Ếch một mình giảng dạy (Oa có thể dịch là “ếch”, nhưng trong dân gian vẫn gọi tranh này là “Thầy đồ Cóc”, chữ “độc” trong tranh dịch là đọc, nhưng cũng đồng âm với “độc” là cô độc, một mình). Tại sao cha ông ta lại chọn hình tượng Cóc mà lại không phải là sinh vật khác?

Hình tượng con Cóc đã tồn tại và phổ biến từ rất lâu trong nền văn hiến Lạc Việt. Đối với những nhà nghiên cứu hoặc những ai đã từng nhìn thấy những chiếc trống đồng, thạp đồng Lạc Việt chắc không quên hình ảnh con Cóc trên những vật thể này. Trong văn chương truyền miệng Việt Nam, chắc cũng chưa ai quên hình ảnh con Cóc trong truyện “Cóc kiện trời”, “truyện Trê Cóc” hoặc câu ca dao:

“Con cóc là cậu ông trời.
Ai mà đámh cóc thì trời đánh cho”

Ông Trời – chúa tể của vũ trụ – linh thiêng là thế, uy vũ là thế, mỗi khi con người gặp chuyện gì không vừa ý lại kêu trời. Vậy mà Cóc còn là cậu của ông trời mới oai chứ ! Đúng là “oai như Cóc”. Nhưng trong bức tranh dân gian này, Cóc chỉ khiêm tốn làm một ông giáo già ngồi dạy học. Nếu chúng ta trở ngược thời gian về cội nguồn của nền văn minh Đông phương từ hơn 2000 năm trước, sẽ thấy rằng văn tự dùng trong nền văn minh Lạc Việt là chữ “khoa đẩu”, mà di ấn còn ghi lại trên bãi đá cổ Sapa. Chữ khoa đẩu là kiểu chữ hình con nòng nọc, còn ghi dấu ấn trong các cổ thư lưu truyền trong văn minh Đông phương như: truyện Thủy Hử, sách Thông chí của Trịnh Tiều, trong những di vật đào được ở Ân Khư – thủ đô nhà Ân Thương của Trung Hoa cổ. Với chữ khoa đẩu tìm thấy trong di vật ở Ân Khư, người viết đã có dịp minh chứng với bạn đọc (*): đó chính là chiến lợi phẩm trong cuộc chiến Văn Lang và nhà Ân, được nhắc tới trong truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương. Chữ khoa đẩu trong di vật ở Ân Khư chỉ là một hiện tượng riêng lẻ, về hình thức khác hẳn hình thức chữ Hán, trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của nền của văn minh Hoa Hạ. Khoa học hiện đại đã chứng tỏ rằng: tất cả những nền văn minh phát triển đều phải có chữ viết. Do đó, sự hiện hữu của văn khoa đẩu đã chứng tỏ nó ra đời trong một nền văn minh phát triển. Bởi vậy, nếu nền văn minh Hoa Hạ đã từng sử dụng chữ khoa đẩu như một dạng văn tự chính thống và ghi lại cả một giá trị tri thức to lớn của nền văn minh này, thì người ta không thể nào giải thích được sự thay đổi ký hiệu chữ viết từ văn khoa đẩu sang dạng chữ Hán trong quá trình phát triển liên tục của nền văn minh đó. Điều này chỉ có thể giải thích rằng văn khoa đẩu không thuộc về văn minh Hoa Hạ. Sự hiện hữu mờ nhạt của chữ khoa đẩu trong văn minh Hoa Hạ chỉ có thể giải thích một cách hợp lý là nó thuộc về một nền văn minh khác đã bị Hán hóa. Những bản văn cổ chữ Hán đã nhắc tới văn khoa đẩu như sách trời (Thủy Hử), hoặc khẳng định nó thuộc về văn minh Lạc Việt (Thông Chí của Trịnh Tiều), đã chứng tỏ rằng chữ khoa đẩu là chữ viết chính thức của nền văn minh Lạc Việt. Chữ khoa đẩu đã khẳng định giá trị văn hiến trải hàng ngàn năm của nền văn minh Lạc Việt, đó là điều kiện để bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của nền văn minh này.

Bức tranh “Thầy đồ cóc” chính là một mật ngữ hướng thế hệ con cháu tìm về nguồn cội của tổ tiên. Bởi vì, khoa đẩu tức chữ hình con nòng nọc. Như vậy chỉ có Cóc hoặc cùng loài mới có con gọi là nòng nọc. Hay nói một cách khác: chỉ có Cóc mới có chữ để dạy cho đời. Cho nên ông Cóc mới độc quyền trong sự giảng dạy. Đó chính là ý nghĩa của bức tranh dân dã này.


Photobucket
Tranh Trê và Cóc

Bức tranh Tranh Trê và Cóc này thực chất là sự minh họa cho câu truyện truyền miệng trong dân gian: “Truyện Trê và Cóc”. "Vợ chồng cá Trê vốn không có con. Một hôm gặp bầy Nòng Nọc, chúng bắt về nuôi, nhận làm con của mình. Cóc đi tìm con, biết cá Trê đã bắt con của mình bèn đi kiện quan. Trê nói rằng Nòng Nọc sống dưới nước và giống Trê hơn giống Cóc. Cóc không còn sống dưới nước, mà lại chẳng giống Nòng Nọc. Quan xử Trê thắng kiện. Cóc đau khổ vì mất con, chỉ còn nghiến răng uất hận kêu trời. Nhái Bén an ủi Cóc đừng buồn, hãy chờ đợi, vì khi Nòng Nọc lớn lên sẽ lại trở thành Cóc. Lúc ấy, con của Cóc sẽ lại trở về với Cóc."

Có thể nói: Câu chuyện là một biểu tượng tuyệt vời, ẩn chứa mật ngữ, có tính tiên tri, cho biết nền văn minh khoa đẩu (nòng nọc) đã bị khuất lấp dưới một hình thức khác (con của Trê). Cóc không ở dưới nước (tức là đã mất nước), nên không thể chứng minh được Nòng Nọc là con của mình. Nhưng bản chất của sự vô lý (Nòng Nọc không phải con của Trê), cuối cùng cũng sẽ được sáng tỏ trong qui luật tiến hóa, phát triển của tự nhiên. Đây là hình tượng độc đáo của câu chuyện có tính tiên tri, cho biết: sự tiến hóa, phát triển toàn diện về mọi mặt trong các mối quan hệ xã hội mà nền tảng là sự tiến bộ của khoa học hiện đại – trong đó mũi nhọn của khoa học hiện đại chính là khoa học lý thuyết – mới là điều kiện cần và đủ để minh chứng cho sự kỳ vĩ của nền văn minh khoa đẩu với quốc gia đầu tiên là nhà nước Văn Lang.

Tứ Quý: Qua những bức tranh dân gian trên của làng Đông Hồ, ta lại thấy hình ảnh đặc thù quen thuộc từ thời Hùng Vương. Đó là con Cóc, một biểu tượng cho nền văn minh chữ viết của Văn Lang; con Rùa biểu tượng cho phương tiện chuyển tải chữ viết ở thời kỳ đầu lập quốc. Hình ảnh trong tranh chú bé ôm Rùa, ôm Cóc là những hình tượng rất đặc thù trong văn hóa Việt Nam. Có thể nói rằng: khó có thể chứng minh được những hình ảnh này đã xuất hiện đâu đó từ một nền văn hoá khác; hoặc có thể chứng minh được rằng: những hình tượng này xuất hiện từ thời Việt Nam hưng quốc. Hay nói một cách khác: nội dung và những hình tượng này đã có từ một thời rất xa xưa: Thời Hùng Vương, cội nguồn của văn hoá Việt Nam. Nội dung của những bức tranh Lạc Việt này, ngoài việc thể hiện những giá trị đạo lý và mơ ước của con người, còn thể hiện sự hoà nhập giữa con người và thiên nhiên qua hình ảnh những đứa trẻ bụ bẫm – thể hiện sự phú túc và tính thơ ngây thiên thần – với những sinh vật gần gũi trong cuộc sống. Đó là những ý niệm gần gũi dễ cảm nhận của bộ tranh.


Photobucket
Đánh Ghen

“Măng non nấu với gà đồng
Ngon thì vô thử xem chồng về ai?”

Măng non nấu với gà đồng thì quả là ngon thật. Măng non thì giòn mềm, gà đồng thịt săn chắc ngọt nước. Thật là một sự hòa hợp tuyệt vời của khoa ẩm thực. Nhưng ở đây nó còn hàm chứa một nghĩa khác, ám chỉ người chồng lăng nhăng kiểu “mèo mả, gà đồng” kiếm gái tơ (măng non).

Tuy có thể thỏa mãn được dục vọng, ngon thật; nhưng chắc khó tránh được rắc rối. Lời chú trên tranh thật là một lối chơi chữ tuyệt vời với nhiều hàm nghĩa sâu xa. Hình tượng trên tranh khiến cho người xem khó có thể hiểu được trong hai người đàn bà ai là kẻ thách đố? Anh chồng đang cản vợ lớn hay đang bênh vợ bé? Nếu bức tranh chỉ dừng lại ở chủ đề này, thì nội dung của nó chỉ giới hạn ở sự phản ảnh một hiện tượng xã hội trải theo hàng vạn năm luyến ái của con người. Nhưng nội dung của nó không chỉ dừng lại ở đây. Tính nhân bản của bức tranh này chính là hình tượng chú bé chắp tay lạy cha mẹ. Đứa trẻ con ngây thơ vô tội ấy chỉ muốn một cuộc sống bình yên trong sự đùm bọc của một gia đình hạnh phúc. Phải chăng, đây chính là thông điệp của bức tranh gửi thế nhân: Sự thỏa mãn dục vọng và tranh giành quyền lợi trước mắt của con người sẽ vô tình gây ra cho thế hệ sau sự đau khổ.


Photobucket
Hứng Dừa

“Khen ai khéo dựng nên dừa.
Kẻ tung người hứng cho vừa lòng nhau”

Bức tranh miêu tả cảnh hái dừa thật vui mắt. Hình ảnh trong tranh cho chúng ta một sự cảm nhận về một cuộc sống trong sự yên bình hạnh phúc. Người viết cho rằng: nội dung bức tranh lưu truyền hàng ngàn năm trong dân gian có lẽ không thể chỉ đơn giản như vậy.

Cây dừa là một hiện tượng phát sinh và tồn tại tự nhiên của tạo hóa, đâu phải do con người tạo ra? Tại sao lại là “ai”? “Ai” là ai mới được chứ? Sự tung dừa từ trên cây cho người ở dưới hứng thì cực kỳ nguy hiểm, nhỡ nó rơi vào đầu thì sao? Hình tượng của bức tranh không phản ánh thực tế. Nếu quả thật với nội dung đơn giản như trên thì bức tranh có thể được thể hiện với một hình thức khác: như thay cây dừa bằng cây chôm chôm, hoặc nhãn lồng chẳng hạn. Nhưng chính từ lời chú của bức tranh và sự lưu truyền lâu đời trong dân gian khiến cho người xem tranh phải nghiền ngẫm tính minh triết và nhân bản của bức tranh này. Đại từ “ai” trong lời chú cho thấy tác nhân con người trong việc làm nên sự hài hòa cân đối trong cuộc sống. Hình tượng tung hứng trái dừa – vốn không có trên thực tế – cho thấy tính mâu thuẫn và khó khăn trong đời, trong mối quan hệ giữa con người với con người. Nhưng nếu chính con người biết điều hòa cuộc sống của mình, của môi trường thì sẽ mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho cuộc đời. Phải chăng đây chính là tính minh triết và nhân bản trong nội dung của bức tranh này.


Photobucket
Đinh Tiên Hoàng

Bức tranh trên miêu tả một đoạn trong truyền thuyết mang tính huyền thoại lúc ngài bị người chú cầm gươm đuổi, do dám giết trâu của chú khao các trẻ mục đồng. Ngài nhẩy xuống sông để trốn, tưởng chết đuối, nhưng một con rồng vàng xuất hiện cõng ngài sang bên kia sông. Người chú thấy vậy sợ hãi, cắm thanh gươm xuống đất vái lạy một người có chân mệnh thiên tử.

Bức tranh này đã lựa chọn được một hình tượng rất tiêu biểu so với bức tranh thể hiện ngài trong lúc hàn vi “cờ lau tập trận” với các trẻ mục đồng. Với chiếc cờ lau trên vai, đã miêu tả được ý chí của ngài khi “cờ lau tập trận”. Hình tượng rồng theo quan niệm cổ Đông phương là biểu tượng của sức mạnh vũ trụ, quyền lực tối cao. Do đó, hình tượng cưỡi rồng không chỉ miêu tả được tính chân mệnh thiên tử của ngài, mà còn khẳng định nền độc lập của người Lạc Việt giành lại sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc có tính tất yếu như một qui luật của Tạo hóa.


Photobucket
Bà Trưng

Bút pháp thể hiện cũng rất tuyệt vời, lột tả được sự bi tráng và tinh thần bất khuất của Hai Bà cũng như tinh thần yêu nước của người Việt. Có thể khẳng định rằng người vẽ bức tranh này là bậc thầy về tạo dựng hình tượng: rất trừu tượng và huyễn ảo, nhưng lại miêu tả một sự kiện rất thực trong lịch sử người Việt. Sự huyễn ảo của bức tranh đến mức mà đã có một nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng: đây là tranh có chủ đề chỉ là “Cưỡi voi”?

(*) * Chú thích: Tranh dân gian Việt Nam. Nxb Văn Hóa Dân Tộc. Hà Nội

Trên bức tranh vẽ một con voi, hai mắt mở to nhìn về phía trước. Chân trước và chân sau của voi co lên như muốn bước tới. Trên bành voi bỏ trống, có cờ và lọng che, chứng tỏ người ngồi trên con voi phải là người có quyền lực hoặc thuộc đẳng cấp cao trong xã hội. Ở các bộ phận trọng yếu trên mình voi, như đầu gối, trán, trên vòi, bắp chân đều có mang bộ phận che đỡ. Quản tượng đội mũ đâu mâu và cả người ngồi sau voi đều mặc quân phục cổ. Hình tượng này cho thấy đây là một voi chiến đang lâm trận. Cả người và voi đều nhìn về một hướng. Hình tượng lá cờ ngả về phía sau cho thấy con voi không có lệnh bước tới. Toàn bộ bức tranh tạo cho người xem một cảm giác trống vắng vì thiếu nhân vật chính trên bành voi. Do hình ảnh của một cuộc chiến không còn chủ tướng khiến cho không gian tranh có cảm giác bi tráng. Nhưng tính bất khuất lại được thể hiện trên sự nghiêm cẩn của những người ngồi trên lưng voi. Những thứ binh khí họ cầm trên tay đều giơ lên như sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến. Sự khẳng định nội dung lịch sử của bức tranh này là chữ “Trưng” viết theo lối chữ triện trên bức tranh. Như vậy đã quá rõ ràng. Đây là bức tranh thể hiện cô đọng về trận chiến cuối cùng của Hai Bà Trưng. Miêu tả lúc Hai Bà đã rời bành voi và trầm mình trên giòng Hát giang, để lại một sự nghiệp giang dở và một giang sơn chìm đắm trong gót giày xâm lược.

Hai Bà Trưng, vị nữ vương đầu tiên oanh liệt nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Trước Hai Bà, trong lịch sử nhân loại chưa từng ghi nhận một vị nữ tướng đứng lên giành độc lập dân tộc. Hai bà đã giành lại được 63 thành trì, đã chứng tỏ một quyền lực bao trùm lên một vùng lãnh thổ rộng lớn và sự ủng hộ nhiệt thành của cộng đồng người Lạc Việt. Mặc dù cuộc chiến thất bại, nhưng những người dân Lạc Việt vẫn trân trọng gìn giữ hình ảnh bất khuất của Hai Bà – tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của người Lạc Việt – cho đến tận bây giờ. Bức tranh dân gian Việt Nam, tuy bé nhỏ và khiêm tốn trên nền giấy đó. Nhưng nó đã làm nên điều kỳ diệu, khi vượt qua cả một không thời gian u tối của 1000 năm Bắc thuộc và lịch sử thăng trầm bi tráng của dân tộc Việt, truyền lại cho đến ngày nay, một truyền thống bất khuất và anh hùng từ lòng tự hào dân tộc. Cho đến tận bây giờ, vẫn còn vang vọng những bài thơ bi tráng ca ngợi Hai Bà.
“Ải Bắc, quân thù kinh vó ngựa.
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi.
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá.
Trăng chếch, ngôi trời bóng lẻ soi.”


Photobucket
Bà Triệu

Hình tượng Bà Triệu trên tranh có tư thế thoải mái, như đang múa một đường quyền trên lưng voi. Con voi về tư thế như đang chồm lên, nhưng sắc thái thì lại như bị phục tùng. Phải chăng, bức tranh này muốn miêu tả hình ảnh Bà Triệu đang thuần phục voi dữ. Đây là giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa của Bà.

Về phong cách thể hiện bức tranh này, có nét tương đồng và gần giống với tranh Hai Bà Trưng. Nhưng trong tranh Bà Triệu có tính ước lệ hơn so với tranh Hai Bà, thể hiện ở tư thế ngồi của bà Triệu trên lưng voi. Về hình tượng con voi của Bà Triệu có nét giống như voi của Hai Bà, nhưng phong cách uyển chuyển và điêu luyện hơn. Bành voi của Bà Triệu tuy trang trí cầu kỳ chứng tỏ một đẳng cấp cao trong xã hội, nhưng lại không có cờ và lọng là những biểu tượng của địa vị và quyền lực như trong tranh Hai Bà. Mặc dù trong cả hai tranh đều chứng tỏ một trình độ bậc thầy về tạo dựng hình tượng; nhưng sự thể hiện tính trừu tượng trong tranh Hai Bà hết sức cao cấp, đến mức đáng kinh ngạc (qua hình tượng gợi cho người xem phải tưởng tượng một tình huống bên ngoài hình tượng). Còn trong tranh Bà Triệu, tính trừu tượng thấp hơn mặc dù đã đạt trình độ bậc thầy khi diễn tả tính cách đầy khí phách của Bà. Điều này cho thấy hai bức tranh này được diễn tả ở hai thời kỳ cách nhau khá xa và tất nhiên không thể cùng tác giả.

Entry sử dụng nguồn: Tinh minh triết trong tranh dân gian VN ( http://lyhocdongphuong.org.vn); http://mocxi.com và http://google.com.vn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire